Review Mạng Xã hội ở việt Nam

Đã quá lâu tôi lại có đủ thời gian và nhiệt tâm để viết một bài trên blog. Hóa ra viết blog là một việc chẳng dễ dàng và tôi cảm thấy khâm phục những người được coi là top blogger tại Việt Nam khi họ có thể duy trì nhịp độ post bài hàng ngày hay chí ít là hàng tuần. Điều đáng nói hơn là trong khi các top blogger của Mỹ có thể kiếm hàng triệu USD một năm (FYI, doanh thu của TechCrunch vào khoảng 3 triệu USD năm 2007) thì các đồng nghiệp tại VN lại chỉ kiếm được vô số điều phiền toái như kiện tụng, lao lý… Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn viết ngay cả khi phải “viết dưới giá treo cổ” (theo tựa một cuốn sách) vì chính điều đó tạo nên văn minh và tương lai của xã hội.

Trong thế giới blogroll nho nhỏ của mình, tôi thấy có một vài bài viết đáng chú ý xin chia sẻ cùng các bạn:

+ Tổng hợp của HarryD về tình trạng các mạng xã hội của VN. Đáng chú ý nhất là sự ra đời của Zoomban và những đổi mới của FaceViet.

+ Đức Ban tìm cách xóa tài khoản của mình tại CyVee và kết quả không như mong muốn. Có lẽ CyVee nên chú trọng hơn về các xử lý các phàn nàn, khiếu nại và trả lời mail của khác hàng.

+ Jason bình luận về việc TGĐ FPT lập trang blog riêng nói nhiều về FPT 2.0. Tôi không nói đây là một việc phí thời gian nhưng nhìn vào blog này quả là thiếu chuyên nghiệp.

Hơn hai tháng qua là một khoảng lặng đối với tôi, trong khi xã hội Việt Nam có những biết động lớn như việc giá cả leo thang khủng khiếp làm cho cuộc sống người nghèo càng khốn khó hơn hay việc TTCK mất hơn nửa giá trị dẫn đến một cuộc tháo chạy toán loạn. Tất cả dự báo một tương lai bất ổn trong đời sống kinh tế và vì thế có thể các tính toán chiến lược của các công ty web cũng sẽ phải thay đổi khi nguồn tiền đổ vào có thể không còn dồi dào như trước. Câu hỏi về monetizing các DV web sẽ được đặt ra nghiêm túc (và nhức nhối) hơn.

Khác với các website nước ngoài với hệ thống quảng cáo online ổn định và hiệu quả, các trang web tại VN hầu hết dùng kiểu banner lỗi thời và đựơc đặt mua trực tiếp nên thực tế là chỉ có vài trang web hàng đầu là có được doanh thu đáng kể từ quảng cáo trực tuyến. Các dịch vụ có thể “bán” được trên Net không nhiều như tuyển dụng, rao vặt và bán sách lại là lãnh địa của các trang web kiểu cũ mà chưa có hướng khai phá nào mới ngoại trừ CyVee trong việc tạo hồ sơ nghề nghiệp (nhưng thiếu focus như A. Ban đề cập trong một bài viết khác).

Chào mừng 2008, năm của lạm phát và kinh tế bất ổn. Hy vọng các DV web 2.0 non trẻ của chúng ta sẽ vượt qua để tiếp tục phát triển và thành công.

Theo www.web2vietnam.com